Tu
Là Cội Phúc
VẤN: (cười
ranh mảnh) Anh nầy, tại sao anh lại dám cắt đôi câu thơ của
cụ Nguyễn Du? Anh không sợ cụ hiện hồn về kiện anh sao? Vã
lại, ai nỡ lòng nào chia cắt thơ văn, một nửa nầy sẽ phải đi
tìm một nửa kia, chắc gì gặp được? Hay là anh muốn chứng minh
“đời là bể khổ?”
ĐÁP: (cười)
Tôi chưa từng thấy “hồn ma đi hầu tòa”, xem như tôi may mắn
không bị thưa kiện; chị định nói một nửa ”tình là dây oan”
đúng không? Thật ra tôi không có dự định cắt phân hai, tôi
có ý định để dành lại phần nầy cho tập kỷ yếu sau, lần đó,
đề nghị chị là người ở vai trò “người bị phỏng vấn”. Đồng ý?
VẤN: Anh
khéo lắm, cho anh thoát kỳ nầy, tôi cũng chẳng dại dột hứa
hẹn để bị phỏng vấn! Trở lại đề tài: anh nghĩ là: “Tu là cội
phúc?”
ĐÁP: Có
lẽ trước nhất chúng ta nên đồng ý với nhau về ý nghĩa của chữ
“phúc”, có như vậy cuộc nói chuyện sẽ dễ dàng hơn, vì cùng
một ý nghĩa của ngôn ngữ. “Phúc” ở đây xin đượchiểu là hạnh
phúc tinh thần, trạng thái hồn nhiên tĩnh lặng, an nhiên tự
tại, niềm an lạc của một nội tâm bình an và phong phú, nó cũng
có nghĩa là sự thể hiện của chân, thiện, mỹ, một trạng thái
tự do không còn trói buộc, nói tóm lại đây là một trạng thái
tâm thức có được khi thực hiện được “Phật tính” trong đời sống..
“Tu là cội phúc” có đúng hay không còn tùy thuộc ở “phương
cách tu hành”; nếu tu hành đúng đắn, hạnh phúc xuất hiện một
cách tự nhiên, nếu không thì hạnh phúc chỉ là một ảo tưởng,
ngoài tầm tay..
VẤN: Nếu
vậy “hạnh phúc” là một thước đo của tu hành? Hay là một kết
quả của sự tu hành?
ĐÁP: Nếu
chị muốn nói như thế thì cũng đúng, tuy nhiên trên con đường
tinh thần, hành giả không dừng lại nơi sự an lạc nội tâm, có
thể nói đây là kết quả của một giai đoạn, không là cứu cánh.
Hạnh phúc là một trạng thái của tâm thức, trong tỉnh lặng,
khi nhập một với đối tượng, nhiều người gọi là “đốn ngộ”. Xin
phép được nhấn mạnh: chân hạnh phúc là một kinh nghiệm tâm
linh, trên bước đường tu tập. Kinh nghiệm không thể chia sớt
trọn vẹn được. Vã lại, ngôn ngữ có giới hạn của nó, kinh nghiệm
hạnh phúc đến với người nào, người ấy biết, vì vậy có một khoảng
cách kinh nghiệm rất lớn giữa “học giả” và “hành giả đúng đắn”.
Chúng ta có thể trực giác được một “tu sĩ hay một cư sĩ chân
chính” (người đã từng nếm hạnh phúc) xuyên qua phong thái an
nhiên tự tại, hồn nhiên tươi mát, không hề chấp nhất, một nội
tâm vô cùng phong phú, sống động, kèm theo một tinh thần hài
hước nhẹ nhàng, khi gần người ấy chúng ta ảnh hưởng được niềm
an lạc đơn giản và bình an từ người ấy thoát ra ngoài..
VẤN: Tôi
vẫn nghĩ “đốn ngộ” là một trạng thái “thuần lý” khi nhập một
với đề tài suy ngẩm hay một công án nào đó.. Nó có liên quan
gì đến “hạnh phúc” mà anh đề cập?
ĐÁP: Kinh
nghiệm “đốn ngộ” là một kinh nghiệm trọn vẹn. Nó bao gồm cả
ba trạng thái “Bi, Trí, Dũng” hay là nều muốn nói một cách
khác “Bác ái, Minh triết và Ý chí” đồng thời kèm theo một nguồn
năng lực an lạc, gọi là hạnh phúc, một trạng thái tự do, bứt
tung mọi xiềng xích trói buộc, tất cả những trạng thái nầy
không thể chia cắt được, và một lần nữa, đây là vấn đề kinh
nghiệm, tiếc rằng khó lòng mà diễn tả được.
VẤN: Chúng
ta được nghe rất nhiều về “Chân tâm” “Phật tính” “Đốn ngộ”
và hôm nay “Chân Hạnh Phúc”. Tất cả những điều đó liên hệ gì
với nhau? Và giá trị của nó trên con đường thực hiện Phật tính?
ĐÁP: Tất
cả những danh từ chị nêu lên sẽ có một lúc xảy đến cho người
tu thiền, bằng kinh nghiệm. Tất cả chúng ta cần kinh nghiệm
“Phật tính”, nó có thật, rất đơn giản như cánh hoa nở ban mai,
chiếc lá rơi mùa thu, ánh sáng rực rỡ buổi bình minh, ráng
chiều đỏ rực nơi chân trời, một đàn chim bay về tổ, những mảng
mây trắng lang thang vô định.. Nếu không có kinh nghiệm “Chân
tâm” thì truyền giáo là một việc hình thức, không có sức sống..
một người tu sĩ sẽ hoàn toàn thiếu sót nếu chỉ biết đọc kinh,
hoặc truyền kiến thức..(công việc truyền kiến thức đã có vô
số đại học đường truyền bá về Phật học) người tu sĩ cần có
kinh nghiệm chân tâm và truyền đạo bằng chính đời sống, phải
là hiện thân của trong sáng, bình an, người ấy nói “pháp” bằng
chính cuộc sống và bằng tâm hồn thanh cao tươi mát, một phản
ảnh của “Phật tính”
VẤN: Tôi
có nghe nói: “Một nhà nghệ sĩ chân chính, nhiều khi đi đúng
đường hơn một tu sĩ suốt đời ngụp lặn trong giới luật và một
trời thành kiến” anh nghĩ như thế nào về ý tưởng vừa được nêu
ra?
ĐÁP: (cười
nhẹ) Sao chị can đảm quá vậy? Chị không sợ bị kết luận là chủ
trương phá bỏ “giới luật” sao? Có hai giai đoạn: giai đoạn
đầu là giai đoạn của người đang đi tìm, giai đoạn nầy cần giới
luật, đó là tình trạng của Thần Tú, hay của Thiện Hữu trong
“Câu Chuyện của Dòng Sông”, giai đoạn có sự “tiệm tiến”, chủ
thể và đối tượng cách biệt nhau (nhị nguyên), đây là giai đoạn
có nhiều tranh đấu nội tâm, còn bị nhiều ảnh hưởng của thành
kiến, tù túng trong vòng cương tỏa của thành kiến, quy định
xã hội (phong tục, tập quán), có sự cố gắng, có sự chạy theo,
có sự nương tựa, thất bại, ngã lòng, chán nản.. Giai đoạn hai
là giai đoạn giải thoát, đạt tự do (đốn ngộ), đạt nhất nguyên,
nếu đối tượng là bác ái, hành giả là sự thể hiện của bác ái,
nếu đối tượng là sự Mỹ lệ nơi thiên nhiên, người nghệ sĩ trở
thành sự Mỹ lệ đó, chủ thể và đối tượng hòa tan trong nhau,
đây là trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng, của Tất Đạt.. Cùng một
nội dung như vậy về hai giai đoạn, nơi 10 bức tranh “Thập Diện
Ngưu Đồ”. Tóm lại, không hẳn chỉ đúng cho nhà nghệ sĩ chân
chính, mà đúng cho tất cả mọi giới,
nếu sự khao khát “chân, thiện, mỹ” đủ mạnh và nếu nổ lực đúng
mức, kết quả tốt là tự nhiên. Và nếu chị muốn so sánh như câu
hỏi, có một nguyên tắc mà tất cả chúng ta cùng biết rất rõ:
Cái áo không làm nên nhà tu.
VẤN: Xin
phép anh cho tôi được tóm tắt bài phỏng vấn ngày hôm nay, “TU”
và “Cội phúc” sẽ là hai và đa số xảy ra cho nhiều người “Cội
phúc” là một đích nhắm mơ hồ và huyền ảo, một ao ước thầm kín
chưa đạt được.. Sẽ là một trạng thái viên mãn, tràn đầy, bạn
muốn gọi là gì tùy ý: đốn ngộ? Nhất nguyên? Tu chứng? Chân
tâm? Chân hạnh phúc? Phật tính? Danh từ không chuyên chở được
trạng thái tâm thức.. Tu có la cội phúc hay không la hoàn toàn
tùy thuộc vào chúng ta, những người tình nhân của chân lý.
ĐÁP: Cám
ơn chị rất nhiều, mến chúc tất cả các bạn tu sĩ lẫn cư sĩ tràn
đầy nhiệt hứng phụng sự và sự phấn khởi tinh thần trên con
đường thưc hiện Phật tính.
Mây Lang Thang
|