Giả Đạo Đức

Gia đình chúng tôi đến Mỹ từ đầu năm 1992 và còn để lại Việt Nam một người mẹ già nay đã gần 90 tuổi. Vì thế cứ khoảng trên dưới 2 năm, tôi lại phải một lần về quê để thăm nom bà cụ. Cũng nhân những dịp này, tôi cũng làm một ít việc bố thí, đăc biệt là những năm có lũ lụt thì cũng tháp tùng theo đoàn cứu trợ để góp một phần xoa dịu nỗi thiếu thốn của đồng bào, hoặc giúp đỡ một số bạn hữu mà cuộc sống còn quá nghèo khổ.

Những việc này, theo cách nhìn của một số người thì rất tốt, nhưng cũng có một số nghĩ ngược lại. Vì vậy, trong lần về Việt Nam tháng mười-2002, người bạn cũ, nhỏ tuổi hơn tôi, tên là Sơn có đặt một câu hỏi cho tôi:

- Anh Ba, anh nghĩ sao khi một số bạn bè, thậm chí có bà con với anh , nói rằng anh là người đạo đức giả?

- Này chú Sơn, câu này tôi đã có lần nghe trực tiếp và không phải ở dạng câu hỏi mà là một câu mạ lỵ xác định : “Anh là người đạo đức giả”. Lúc đó tôi không trả lời. Trước tiên , sở dĩ tôi được tặng câu nầy là do khác biệt về quan điểm, nếu tôi có một ít đô la và chỉ biếu tặng những người thân quen gần gủi nhất cũng bằng đô la thì đều vui vẻ cả. Nhưng tôi lại đổi thành tiền VN và đem cho nhiều chỗ, nhiều người, tất nhiên là không người nào được nhiều thì tất nhiên trái với sự mong đợi của họ. Vậy nên, tôi đành chịu.

Trở lại việc đạo đức giả, tôi xác nhận câu này dành cho tôi rất chính xác. Tại sao? Vì tất cả những gì vay mượn thì không phải của mình, chỉ là đồ giả mà thôi. Giả sử tôi làm được một số điều thiện, thì những điều này tôi đã vay mượn ở đâu? Trước tiên là ở xã hội , khi tôi sanh ra, quanh tôi một cuộc sống thanh bình, con người đối xử với nhau chân thật và hòa bình. Kế đó tôi vay mượn của song thân tôi và anh em ruột thịt, rồi đến trường học vay mượn của Thầy Cô và bạn bè, biết bao nhiêu điều tốt lành từ lý thuyết đến thực tiển cuộc sống và sau cùng , quan trọng nhứt và cao siêu nhứt, tôi vay mượn của Hòa Thượng Thích Thanh Từ cùng quý Thầy Cô đã đem giáo lý cao sâu vi diệu của Đức Phật giảng giải cho tôi được hiểu và cuộc sống của quý vị, đó là một gương lành trong sáng để tôi vững tin bước trên đường đạo lý.

Bây giờ giả sử tôi làm một số việc bất thiện thì cũng là vay mượn nữa: như trong xóm thường đánh bài, lúc nhỏ tôi ngồi coi, lớn lên chút nữa cũng tham gia. Rượu chè cũng thế.

Vậy thì đạo đức mà tôi tạm có ngày hôm nay không phải tôi tự có mà chỉ là giả có do sự vay mượn mà thôi. Nói gọn nhứt, nếu tôi sanh ra ở xứ Hồi Giáo thì chắc chắn 100% tôi là người đạo Hồi và sẽ hành động y như họ. Vậy nói tôi là đạo đức giả là đúng thôi.

Vậy chừng nào tôi có đạo đức thật? Khi nào tôi chứng quả A La Hán hay thành Bồ Tát thì lúc đó mọi tác động của cảnh không làm lay động tâm tôi, lúc đó, với trí tuệ siêu việt, tôi nhìn rõ bản chất hư giả của vạn pháp, trong mọi hoàn cảnh chỉ còn một niệm từ bi muốn cứu độ chúng sanh.

Mà cái này thì còn lâu lắm, không biết bao nhiêu kiếp nữa, nên bây giờ tạm xài đồ giả vậy. Cho nên tôi không dám tin tâm của mình , nghĩa là tin ở cái nghe, thấy hiểu biết…của mình là chân lý. Chấp vào cái thấy, biết của mình (kiến chấp) dẫn tới sai lầm và đau khổ vì nó dẫn tới đấu tranh, hận thù, chia rẽ từ trong một gia đình ra tới ngoài xã hội. Quả thật sự vay mượn và huân tập tùy thời gian có khác nhau, nên cái thấy biết của con khác cha mẹ, bạn bè, đồng bào… đều khác nhau…dẫn tới tranh luận, tranh đấu, hận thù mà ai là người nắm chắc được chân lý trong tay?

Vậy nên đạo đức thật hay giả, tốt hay xấu, phải hay quấy, giàu hay nghèo… xin chớ bận lòng, chỉ nên quay lại mình, trừng mắt nhìn mình để loại trừ các vay mượn bất thiện, gọi đó là sự tu hành.

Lâu quá mới gặp nhau, nói hơi dài, bây giờ thôi tạm chia tay, chú Sơn nhỉ!

- Em còn muốn hỏi một số câu nữa, nhưng thời giờ anh còn ít quá, vậy lần sau từ Mỹ về, có thể dành cho em một ngày được không?

- Được chú , tôi hứa với chú 2004 mình sẽ gặp nhau lâu hơn.

Và như vậy chúng tôi chia tay . Hỡi ơi! tháng tư vừa qua, em tôi gọi điện thoại qua , báo tin cho biết chú ấy vừa qua đời khi đang đi bộ dưới dốc cầu bị xe Honda đụng, chấn thương sọ não.

Ôi! Cuộc đời! nay còn, mai mất không hẹn trước, phải quấy làm gì, phải cần kíp tu hành.

Quốc Chung