Thư
ngỏ các em Thiếu Nhi Quang Chiếu
Các em thân mến,
Cô viết lá thư này gởi đến các em, vì sau những buổi
sinh hoạt với các em ngày Chủ Nhật, cô thấy lòng vui nhiều.
Các em biết không? Mỗi khi bước vào lớp học, Cô thấy
không khí thật vui tươi, đầm ấm, đôi lúc Cô có cảm tưởng như sống
lại những ngày xưa còn bé. Nhìn các em chỗ ngồi không đủ, nhưng các
em cũng chịu khó ngồi sát lại để nhường chổ cho bạn, Cô cảm động
vô cùng. Các em có biết chúng ta có được lớp học khang trang, đầy
đủ tiện nghi này là nhờ ai không? Nhờ các cô chú đã đóng góp tiền
bạc, công sức để làm nên. Với tâm nguyện muốn phát triển lớp học
Việt ngữ, muốn các em, những đứa trẻ sanh ra và lớn lên tại Mỹ hiểu
chút ít về Phật pháp, biết và nói được tiếng Việt để không quên đi
nguồn gốc Việt Nam của mình. Cô muốn chúng ta cùng chấp tay cúi đầu
chân thành cảm niệm công đức của các cô, các chú và hứa sẽ không
cô phụ tấm chơn tình này.
Sáng nay, nhìn các em chửng chạc trong chiếc áo tràng,
ngồi ngay ngắn tề chỉnh trong giờ học lịch sử Đức Phật, rồi
các em chấp tay niệm Phật. Cô muốn các em thật trang nghiêm,
các em biết
tại sao mình phải trang nghiêm khi niệm Phật không? Vì Cô muốn
các em nhớ đến Phật, đến một người đã hy sinh rời bỏ gia đình,
mọi xa
hoa sung sướng của đời sống vương giả, để đi tìm sự an vui
giải thoát cho mình, cho tất cả mọi người. Phật đã thành đạo
và mang ánh sáng
đạo pháp giác ngộ, ròng rả suốt 49 năm, đi các nơi hoằng hóa
không mệt mỏi, không dừng nghỉ.
Các em thương, cô thiết nghĩ chúng ta chỉ cần hiểu
rõ cuộc đời Phật và theo gương của Phật thì cũng đủ cho các
em có chút ít hành trang đi vào cuộc sống. Cô nhớ có lần cô hỏi
một em:
“Lớn lên em sẽ làm gì?” thì em trả lời: “Con học cho giỏi,
rồi đi tu giúp đời giúp đạo.” Thật giỏi phải không các em? Đó là
một ý tưởng
thật cao đẹp. Các em trong lớp đã hiểu tứ đế, thuộc ngũ cấm
và biết phát nguyện cô rất mừng. Các em giỏi hơn cô nhiều, lúc
bằng tuổi
các em cô không biết gì về Phật pháp. Các em còn ngoan và giỏi
hơn nữa là các em đã biết giúp một đứa bé trai cha Mỹ, mẹ Việt
bớt đi
những ý nghĩ ghét bỏ người Việt. Đây cũng là chứng bệnh về
ngã chấp, thấy mình khác người, hơn người. Gốc của đau khổ đó các
em, các em
đã thể hiện được tình thương đồng loại, các em thương yêu chăm
sóc em trai đó bằng tất cả tấm lòng. Kết quả các em thấy không?
Em ấy
giờ đây rất ngoan. Có lần cô hỏi em: “con thích học không?” Bé cười
trả lời : “dạ thích”. “Các bạn có thương con không?” “Có”.
Đây là một niềm vui thật lớn mà các em đã trao cho cô. Các em phải
luôn nhớ rằng tất cả mọi việc trên thế gian
nầy không bao giờ tự nhiên mà có, mọi vật đều do sự hổ tương
của các nhân tố khác mà thành. Ngay cả bản thân mình, mình cũng nương
nhờ vào vô số yếu tố để được trường tồn. Nỗi đau khổ, nỗi vui
sướng
của mình cũng là nỗi đau khổ vui sướng của người. Các em cố
nhớ điều này, vì trong ba nghiệp thân khẩu ý, ý dẫn đầu, ý làm chủ
nếu các
em không khởi nghĩ điều xấu, khởi niệm yêu ghét, buồn vui thì
cuộc đời các em sẽ không khổ, vì tất cả đều giả không thật.
Trong lớp cũng có vài em gia đình theo đạo Chúa. Nhưng
em được đến và học ở lớp học Phật pháp này. Có lần một em trai hỏi
cô: “cô có thương con như những em theo đạo Phật không?” Cô trả lời:
“cô thương các em bằng nhau. Vì Cô nghĩ tất cả mọi người đều có quyền
lựa chọn, có quyền theo một tín ngưỡng riêng. Cô không phê bình chỉ
trích. Tôn giáo nào giúp các em trở thành người tốt có lòng từ bi,
hỉ, xả biết thương yêu giúp đỡ tất cả mọi người và đem lại cho các
em niềm an lạc giải thoát là được”.
Thôi bao nhiêu đây cũng đủ lắm rồi, văn chương cô
ít lắm, cô dừng bút. Các em hãy cùng cô phát nguyện, bài phát
nguyện mà cô đã dạy các em và các em đã hiểu rồi đó.
Chúc các em ngoan.
Cô,
Huệ Nguyên
|