Thư
gởi Thầy
Trúc Lâm 25.04.03
Thưa Thầy và các Sư
Cô kính quý!
Chúng con nghe Thầy
và quý Sư Cô ở bên đó vất vả nhọc nhằn, phải chịu khí hậu khắc nghiệt,
cùng với nỗi nhớ nhà nữa, chúng con rất đỗi mủi lòng. Vì Phật sự
lớn lao, vì đại chúng, Thầy và quý Sư Cô cố gắng gìn giữ sức khoẻ
nhé!
Để chúng con kể chuyện
ở nhà hầu Thầy và quý Sư Cô vui và tạm quên đi nỗi nhọc. Hôm
qua ở nhà vui lắm thưa Thầy! (Chúng con xin phép quý Sư Cô viết
lược
“thưa Thầy” không thôi cho dễ đọc). Vì đó là ngày Sư Ông sang
thăm Ni chúng. 2 giờ kém, cả chúng mặc áo tràng tề chỉnh đứng từ
cổng
đón Sư Ông vào. Đã lâu quá chừng con không được gặp Sư Ông,
ai cũng xúc động. Sư Ông khoẻ, da trắng và rất hồng, đẹp lắm. Tại
thiền đường,
cả chúng ngồi quây quần sát dưới tòa của Sư Ông. Sư Ông giảng
đề tài “Hư Thực Khó Phân”. Chúng con cảm nhận đó là buổi kể chuyện
rất
đỗi thân thương giữa người cha và những người con, ông và những
người cháu, hơn là một buổi thuyết pháp. Người ôn lại toàn bộ quảng
đời
của mình kể từ năm Người chín tuổi. Hay lắm thưa Thầy, Sư Ông
đã giải mã được bài thơ Người làm năm 9 tuổi, hôm qua Sư Ông đã
nói
cho tất cả cùng nghe. Chắc Thầy và quý Sư Cô đã thuộc lòng bài thơ đó, nhưng con cứ viết lại nhé.
Non đảnh là nơi thú
lắm ai
Đó cảnh nhàn du của khách tài
Tiếng mõ canh khuya người tỉnh giấc
Chuông chùa văng vẳng
quá bi ai.
Thầy biết không? Sư
Ông nói bài thơ làm lúc 9 tuổi đến bây giờ trở thành sự thực. “Non
đảnh” chính là Trúc Lâm Phụng Hoàng, nơi Sư Ông thích nhất và đúng
là đỉnh núi, không như Thiền viện Chơn Không và chùa Long Động (Thiền
viện Trúc Lâm Yên Tử) chỉ là sườn núi. Sư Ông cũng đã nhận mình là
khách tài nữa, cụ thể là Tăng tài, Thầy thấy có dễ thương không?
Thích nhất, nhưng đến bây giờ Sư Ông mới thật sự được “nhàn du”,
vì trước đây Người phải bôn ba lên xuống đó đây… Còn hai câu sau
đại ý là chủng tử tu hành của Sư Ông được khơi dậy khi ấy…
Sư Ông kể chuyện nhiều
lắm thưa Thầy. Hình như trong thời gian vưà qua Người “nhớ”
lại được hết tất cả và ôn lại rất kỹ để kể cho tụi con nghe; kỹ
từng chi tiết,
từng mốc thời gian. Qua đó, Sư Ông đặc biệt mô tả những giấc
mơ – là HƯ, và sự ứng hiện lạ kỳ và những chuyện xảy ra trong cuộc
sống
– là THỰC. Sư Ông bảo, thực hư thật khó phân ranh giới. Như
giấc mơ về hai vị Tổ Huệ Khả và Tăng Xán (Sư Ông nói, Sư Ông thấy
là nhận
ra ngay hai vị ấy, vậy có lẽ Sư Ông có duyên với hai Tổ, có
lẽ Sư Ông đã có mặt ở Trung quốc cách đây 1,000 năm!). Rồi giấc
mơ thứ
hai nữa là trong lúc tuyệt vọng về đường lối tu thiền, Sư Ông
thấy được Tổ Huệ Khả đọc cho bài thơ có câu: “Không Bình không
Trắc”,
sáng đó Sư Ông sáng được lý Sắc Không. Giấc mơ thứ ba là Sư
Ông thấy mình bay trên một con đường có những cây thông, trông
ý là đi về
chùa của mình, đến một cái cổng đề là Viên giác Tự. Đến khi Sư Ông qua Nhật, người ta có dẫn đến thăm một ngôi chùa Viên
giác, đến nơi thấy cái cổng y chang trong mơ!! Vậy là Sư Ông
đã có mặt ở Nhật. Sư Ông kể nhiều, nhiều nữa những chuyện lạ kỳ,
tụi con
nghe “khoái” thưa Thầy! Sau đó Sư Ông kết luận rằng Người đã
“lang thang” khắp nơi cả ngàn năm nay, nên bây giờ đôi khi mình cứ
ngỡ
mình là người nầy, nước nầy nhưng thật ra mình đã là người
Trung quốc, người Nhật v..v.. Sư Ông có nói một câu: “Thầy cũng có
mặt
ở đời Trần nữa!”, nhưng rồi lướt qua luôn. Không chịu nói gì
thêm, tụi con “ức” quá vì khúc đó quá hấp dẫn với tụi con. (Thầy
đừng cười
nha!).
Sư Ông cười nói “Xu
hướng sắp tới chắc qua phương Tây quá! Bây giờ cho mấy đứa nhỏ qua
trước mở đường!..” Vậy là quý Thầy và quý Sư Cô ở bên đó vui rồi,
những người tiên phong bao giờ cũng khổ cực nhưng nhờ đó mà được
gieo nhân duyên sâu chắc, và thế nào cũng được gần Sư Ông nữa, vì
Sư Ông đã hứa vậy rồi mà, phải không thưa Thầy!
Qua buổi đó, chúng
con càng cảm nhận sâu sắc mối liên hệ mật thiết giữa mình và đại
chúng, giữa đại chúng với nhau, mối liên hệ mãnh liệt bởi niềm tin
và nguyện lực, đi dọc theo sanh tử luân hồi, như một đại gia đình
quá lớn.
Thôi thư đã dài, chúng
con ý thức là không được viết thư nhiều nên tranh thủ viết rán. Lá
thư nầy là chút vọng niệm của chúng con, không dám làm cho Thầy bận
tâm mà chỉ với mong muốn có thể thay thế những khoảnh khắc mà Thầy
ngồi buồn, “muốn khóc mà khóc không ra tiếng”, và nhớ về Trúc Lâm.
Để Thầy thấy rằng không hề cô đơn và nhớ các Huyền, mà cũng tựa như
một buổi chiều rất đẹp nọ, trong ngôi thất nhỏ, hai Thầy ngồi trên
đơn, các Huyền chúng con quây quần “nhí nhố” ở dưới, bên cạnh..,
nhé Thầy. Để rồi, khi buông tờ thư xuống, Thầy mỉm cười nói nhỏ một
câu: “mấy đứa nhỏ nầy thiệt là!”. Rồi Thầy lại để tâm mình vắng lặng
như Thầy vẫn thường như thế, nghỉ ngơi trong ấy cho đỡ sự nhọc nhằn
bởi cuộc sống và công việc.., nhé thưa Thầy!
Chúng con kính chúc
Thầy và quý Sư Cô khoẻ mạnh, an vui, Phật sự viên tròn và chóng về
dạy dỗ chúng con. Chúng con đã tự mỗi đứa hứa rằng sẽ ngoan hết khả
năng của mình.
Thương Thầy và quý Sư Cô nhiều,
Lâm Huyền chúng
con
|