Công Đức Của Một Vị Thầy

Tôi muốn gọi tiếng “Thầy” cho thân mật chứ không muốn dùng danh vị “Hòa Thượng” của Ngài. Tôi không phải là đệ tử của Ngài, nhưng tôi hiểu Đạo rất nhiều nhờ băng giảng và qua sách vở của Ngài, cho nên tôi tự nhận Ngài như là vị Thầy dạy đạo của tôi.

Phật giáo Việt nam được chấn hưng từ khoảng năm 1930, cách đây hơn bảy chục năm. Kể từ thời điểm đó, nếu tính theo thứ lớp tại miền Nam thì Thầy thuộc thế hệ thứ ba, sau Tổ Khánh Anh và Bổn sư của Thầy là cố Hòa Thượng Thiện Hoa. Thầy rất đặc biệt là ngoài việc dạy Đạo, lại còn gánh thêm trọng trách phục hồi dòng Thiền Việt Nam:

Lịch sử tiếp diễn,
Thế kỷ hai mươi.
Chơn Không ra đời,
Thiền Tông sống lại.

Sáng lập Canh Tuất,
Một chín bảy mươi.
Truyền bá Thiền Tông,
Tứ chúng quy học.


Như vậy là theo dòng lịch sử 40 năm sau của phong trào “chấn hưng Phật giáo” thì “dòng Thiền Việt” ra đời với pháp môn “Biết vọng” tức là: “Quay trở về Tâm, biết giả không theo, sống với cái thật”.

Dòng Thiền Việt Nam do Thầy hướng dẫn bắt đầu chính thức truyền Pháp tại Tu viện Chơn Không kể từ năm 1971. Tu viện nầy được xây cất trên núi Lớn, Vũng Tàu, quay mặt về hướng Đông, nhìn biển cả mênh mông. Thật ra Thầy đã đến chỗ nầy từ tháng 4 năm 1966, khi đó một “Thất” nhỏ được cất lên có tên là “Pháp Lạc Thất” để Thầy an cư vào tháng 7 âm lịch. Bốn năm sau mới đủ duyên xây cất Tu viện Chơn Không. Khóa Thiền đầu tiên với 40 thiền sinh khai giảng năm 1971, học trong 3 năm, bế giảng ngày 7.4.1974. Ngay khi đó khóa II được mở với 100 thiền sinh. (Lớp nầy vừa học được một năm thì biến cố 30.4.1975 xảy ra. Cùng chung với sự xáo trộn của đất nước, các thiền sinh Tu viện Chơn Không cũng phải chuyển xuống Thường Chiếu, Viên Chiếu v.v.. đến giữa năm 1984 thì Chơn Không phải giải tỏa. Thầy còn nán lại đến mãi 1986 mới về ở hẳn tại Thường Chiếu).

Về mặt lý thuyết, Thầy chủ trương “Thiền Giáo đồng hành” nghĩa là song song với tu Thiền thì phải học thêm giáo lý.

Về mặt thực hành thì Thầy chủ trương “Tu là hơi thở, học là uống nước và lao động là ăn cơm”.

Tuy thời thế khó khăn, nhưng với đức lớn của Thầy, dòng Thiền vẫn không ngừng phát triển từ 1971 đến nay. Riêng trong nước, ngoài Chơn Không ra, còn có:

  • Thường Chiếu 1974
  • Viên Chiếu 1975
  • Huệ Chiếu 1979
  • Linh Chiếu 1980
  • Phổ Chiếu 1980
  • Tịch Chiếu 1987
  • Trúc Lâm 1994
  • Trúc Lâm Yên Tử 2000 (miền Bắc)

Ngoài những “Chiếu” và “Trúc Lâm”, còn những tu viện hay tịnh thất nhỏ như:

  • Hương Hải
  • Tuệ Quang
  • Tuệ Thông
  • Đạo Huệ
  • Thuần Nguyên
  • Liễu Đức
  • Phúc Trường v.v.

Qua đến nước ngoài thì ở Texas có Thiền Viện Quang Chiếu, California, Hoa Kỳ có:

  • Đại Đăng
  • Vô Ưu
  • Ngọc Chiếu
  • Diệu Nhân

Tiếp theo là Bồ Đề Thiền Tự tại Boston, rồi những nơi đang dự trù thành lập là New York, Virginia, Oregon, Seattle, v.v.

Đến Canada có Hương Hải. Pháp có Thường Lạc, Úc có: Tuệ Căn, Tiêu Dao, Hiện Quang, Pháp Loa, v.v.

Trên đây là số lượng các chùa ở trong cũng như ngoài nước nằm trong “dòng Thiền” của Thầy.

Về số đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Thầy trong hơn ba chục năm qua phải kể đến số hàng vài chục ngàn người, đặc biệt trong đó có cả những học viên thuộc các tôn giáo bạn gồm cả Linh mục, Mục sư, nữ tu và tín đồ Thiên chúa giáo, v.v. Còn Phật tử tại gia học từ Thầy qua băng giảng thì con số không biết được, nhưng ước tính đến hàng trăm ngàn, hàng triệu… Chúng tôi nói thế có khi còn ít, vì ngày nay trên nhiều chương trình phát thanh hải ngoại thường phát băng giảng của Thầy.

Ngoài ra, báo chí trong và ngoài nước đã trích đang nhiều bài của Thầy. Thầy đã làm việc hoằng Pháp một cách tự nhiên, không cầu danh, không cầu lợi cho mình. Vì vậy mà “Công đức” của Thầy lớn lao vô cùng!

Đọc đến đây, có thể người đọc nghĩ rằng tôi đã đề cao Thấy quá chăng? Về phần tôi, thì tôi nghĩ là như vậy cũng chưa nói được gì về mặt “Công đức”, mà chỉ mới nêu lên sự kiện. Để dẫn chứng cụ thể, tôi xin trình bày một vài hiện tượng đã xảy ra để nói lên “Công đức” của Thầy. Ví dụ như vào dịp Thầy sang Hoa Kỳ năm ngoái, từ 27 tháng 10 đến 4 tháng 11 năm 2002 tại Thiền Viện Quang Chiếu, Fort Worth, Texas, khi đó chùa đang xây cất dở dang.. Trong buổi tiếp xúc với các phật tử, Sư Cô Phó Trụ Trì trình bày khó khăn về tài chánh, khi chùa đang còn mắc nợ khoảng trên 60,000. Ngay lúc đó Thầy kêu gọi phật tử phát tâm đóng góp, chỉ 20 phút sau, số tiền cúng dường lên đến 65,000 đôla. Sau nầy, có hai thí chủ cúng dường trên hai trăm ngàn để Thầy khởi công xây dựng Chánh điện. Đây là công trình đầu tiên trên đất Mỹ, với sự điều động của Sư Phó Hạnh Diệu cùng sự góp công, góp của của rất nhiều phật tử khắp nơi.. Tại Thiền Viện Đại Đăng cũng vậy, Thầy tiếp xúc với phật tử San Diego và Orange County ngày 6 tháng 11. Chùa cũng đang thành lập,nợ tính ra là 128,000 đôla. Vậy mà chỉ một lời kêu gọi của Thầy, trong 15 phút sau, số tiền ủng hộ thu tại chỗ được 108,000 đôla. Nhìn vào trong nước thì chùa Trúc Lâm tại Đà Lạt tổn phí hàng vài triệu đôla, vậy mà tiền khắp nơi đổ về như nước khiến công trình hoàn mãn tốt đẹp. Gần đây nhất là việc xây cất Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử ở miền Bắc. Từ khi Thầy nhận đất khởi công xây cất, đến lúc hoàn tất chỉ trong 3 tháng. Phật tử trong và ngoài nước cúng dường tiền bạc cũng như công sức không sao kể xiết. Những hiện tượng nầy nói lên “Công đức” lớn lao của Thầy. Chúng tôi là người theo học Phật nên tin vào nhân quả, nghiệp báo và phước đức. Đối với một vị Thầy thì có y báo và chánh báo. Y báo là những gì vị Thầy đó có trong đời sống hành đạo nhập thế độ sinh. Cho nên chùa, viện, đệ tử v.v.. đều là y báo nói lên Phước báu của vị Thầy mà cũng chứng tỏ công đức nữa.

Tháng nầy là dịp kỹ niệm một năm Thiền sư Thích Thanh Từ sang thăm Hoa Kỳ rồi trở về nhập thất vỉnh viễn. Tôi viết lại bài nầy vì nhớ đến Thầy, để hướng về Thầy. Để kết luận, tôi xin ghi lại bài thơ tôi làm tại chỗ để tặng Thầy nhân dịp gặp Thầy năm ngoái vào ngày 6 tháng 11 tại Thiền Viện Đại đăng như sau:

THIỀN đem truyền bá cứu nhân gian,
tử hống làm tâm được an.
THANH lương ba nghiệp gieo mầm Đạo,
TỪ bi, trí tuệ bước thênh thang.

California tháng 11 năm 2003

Mật Nghiêm